Tiền thưởng triều Nguyễn
Tiền thưởng triều Nguyễn

Tiền thưởng triều Nguyễn

Tiền thưởng triều Nguyễn (阮朝奖金) là những đồng tiền được các vị vua Nhà Nguyễn cho đúc và lưu trữ trong ngân khố chỉ với mục đích ban thưởng cho các quan lại, vương công quý tộc hoặc dân chúng có công lao với triều đại và đất nước trong các dịp khánh tiết của triều đình, chúng không được sử dụng trong lưu hành và trao đổi thương mại như một loại tiền tệ chính thức, ngoại trừ một số loại tiền thưởng được đúc bằng đồng. Dưới triều Nguyễn, ngoài các hạng huân chương ban thưởng như ngọc khánh, kim khánh, kim bôi và sau này là Đại Nam Long tinh... Nhà Nguyễn còn ban tiền thưởng như một hình thức ghi nhận công trạng cho người có công, vì thế tiền thưởng có thể được xem là một dạng kỷ niệm chương, huân chương hay bằng khen ở cấp trung ương dành cho thần dân trong lãnh thổ của nhà nước Đại Nam và dưới thời Pháp thuộc, các vua triều Nguyễn cũng ban tặng tiền thưởng cho một số quan chức người Pháp có công trạng với triều đình. Về sau tiền thưởng còn được dùng như kim khánh, kim bội làm vật trang sức đeo cổ kèm một dải thùy anh bằng san hô, hay dải ruy băng bằng lụa màu để đeo ngực như biểu dương công trạng kèm 1 tờ lục chỉ đề rõ ngày cấp.Tiền thưởng được đúc bằng nhiều chất liệu, quý nhất là bằng vàng, được gọi là Kim tiền, xếp thứ hai là được đúc bằng bạc, được gọi là Ngân tiền, ngoài ra còn được đúc bằng đồng, được gọi là Đồng tiền. Dưới thời Pháp thuộc, vì nguồn tài chính đã bị chính phủ thuộc địa kiểm soát nên triều đình phần lớn chỉ cho đúc tiền thưởng mạ bạc mạ vàng. Tiền thưởng triều Nguyễn dạng tròn như đồng xu chỉ mới xuất hiện dưới thời vua Minh Mạng, thời vua Gia Long chỉ có tiền thưởng dạng thỏi bạc và vàng. Việc đúc tiền thưởng dưới dạng đồng xu được xem là tiết kiệm hơn dạng thỏi vì kích thước cũng như trọng lượng nhỏ hơn, cũng mỹ thuật hơn.Có một số ý kiến cho rằng mục đích ban đầu của vua Minh Mạng cho đúc tiền thưởng là để cạnh tranh với các xu bạc Real Tây Ban Nha (còn gọi là Mảnh tám) đang được sử dụng để thanh toán thương mại trong khu vực và cũng xuất hiện phổ biến ở Việt Nam vào thời điểm đó. Đấy cũng chính là lý do mà triều Nguyễn đã cho đúc những đồng xu bạc Phi long với vẻ bề ngoài tương tự như đồng real Tây Ban Nha, chứ trước đó lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận tiền đúc bằng kim loại quý. Tác giả người Pháp Francois Joyaux ủng hộ quan điểm này, nhưng ông cũng đã cho biết rằng việc cho lưu hành xu bạc Phi long chỉ là dự định của Nhà Nguyễn, chứ trên thực tế chúng chưa từng được lưu hành như một dạng tiền tệ chính thức, dù trên xu bạc có 2 chữ "thông bảo", có nghĩa là "tiền tệ lưu hành chín thức".[2] Schroeder xuất bản tác phẩm Etudes numismatiques sur l'Annam năm 1905, trong sách này, ông ấy gọi tiền thưởng triều Nguyễn là "huân chương".